Kinh nghiệm nhổ răng khôn ở Nhật

nho rang khon tai nhat

Sau khi xử lí thành công 2 chú răng khôn hàm dưới mà mỗi chú mất hẳn một tuần để bình phục thì kết luận của mình là nhổ răng khôn thực ra không quá đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ đâu! Ai mà có vấn đề với răng khôn thì rất nên đi nhổ ngay và luôn vì ít ra nhổ còn nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc thi thoảng răng lại nhú lên bất ngờ và đau thấu trời xanh ấy chứ.

Review chi tiết và kinh nghiệm nhổ răng khôn hai lần ở Nhật của mình nhé!

Nói qua một chút thì thực ra là mình cũng chưa từng để ý đến răng khôn vì chẳng thấy đau bao giờ. Mình chỉ biết tới sự tồn tại của nó khi một lần ra clinic 歯科 gần nhà để lấy cao răng, rồi chụp X-quang răng và kiểm tra tổng quát thì mới phát hiện ra là hai chú số 8 hàm dưới to đùng đang ở trong tư thế rất tréo ngoe: đâm xiên vào gốc răng số 7. Nha sĩ khuyên nên nhổ sớm đi vì tương lai nó có thể húc vào, làm vỡ hỏng rồi sâu răng hàm bên cạnh thì rất phí (bạn mình cũng bị xô răng và mẻ cả răng hàm vì răng khôn mọc lệch).

DECB1A16 C16D 4585 82AE 748E85DCFCCA

1. Quy trình nhổ răng khôn

Vì răng khôn có liên quan tới dây thần kinh, răng của mình lại ở tư thế khó nên clinic không nhận nhổ mà viết giấy giới thiệu lên bệnh viện lớn, kèm theo phong thư đựng đĩa CD chụp X-quang răng, tới viện không cần chụp chiếu lại nữa.

Mình gọi điện tới bệnh viện và đặt được lịch 2 tuần sau tới nhổ chiếc bên trái trước, rồi gần một tháng sau thì nhổ tiếp bên còn lại.

Quy trình nhổ răng:

  • Sau khi điền giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, dị ứng thuốc… thì vào phòng khám, bác sĩ trao đổi qua về răng của mình, các hiện tượng có thể có sau khi nhổ.
  • Bác sĩ tiêm thuốc tê vào chỗ răng sắp nhổ bằng một cái ống to có kim dài ngoằng, nhưng lúc chọc vào cũng không thấy đau. Đợi khoảng vài phút để thuốc có tác dụng, lúc này cả phần hàm bên nhổ tới môi, một phần lưỡi bắt đầu tê cứng lại, không còn cảm giác.
  • Bác sĩ tiến hành rạch lợi, cưa răng thành 2-3 phần và lấy nó ra. Vì răng mình mọc lệch nên không thể nhổ nguyên cái mà phải cắt nhỏ và nhấc từng phần ra để tránh đụng vào răng hàm bên cạnh. Cả quá trình này rất nhanh, chắc chỉ khoảng 5 phút thôi và tất nhiên là không hề đau, chỉ cảm thấy có lúc bác sĩ phải dùng lực rất mạnh ghì vào hàm mình để rút chân răng ra, và lúc cưa răng thì có mùi khét hơi khó chịu xíu.
  • Trong lúc làm luôn có 1 y tá đứng bên cạnh thỉnh thoảng đưa dụng cụ hút vào miệng mình để hút nước ra.
  • Khâu miệng vết mổ lại bằng chỉ.
  • Bác sĩ bảo mình súc miệng sạch rồi đặt miếng gạc vào, dặn cắn chặt trong vòng 30 phút để cầm máu (mình cắn hẳn 1 tiếng cho chắc :D). Vậy là xong!

Cả quy trình chỉ mất tầm 15-20 phút thôi, cực kỳ nhanh gọn và có thuốc tê nên không hề đau đớn. Ở bệnh viện mình nhổ xong là về luôn chứ không có hẹn tái khám lần sau. Bác sĩ đưa cho mình một phong bì thư bảo đem về đưa cho clinic (mục đích để họ theo dõi vết mổ và cắt chỉ cho mình) nhưng lại không giải thích rõ nên lần đầu tiên mình không biết cứ tưởng thư kiểu cảm ơn đã giới thiệu bệnh nhân thôi, lúc răng khỏi rồi mới nhớ đem ra đưa cho họ =.= Lần nhổ sau đem ra ngay sau hôm nhổ thì clinic mới kiểm tra tình trạng vết mổ cho mình và hẹn ngày cắt chỉ sau 1 tuần.

2. Tình trạng sau khi nhổ răng

Mình nhổ 2 lần thì cả hai đều mất tầm 1 tuần để bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên chiếc răng bên phải to hơn, đã mọc chân răng dài ngoằng luôn nên bị nặng hơn chiếc bên trái một chút.

  • Ngày 1 (ngày nhổ răng): buổi chiều nhổ răng xong lúc 2h30 thì tầm 5h30, 6h tối thuốc tê tan hết mình mới bắt đầu thấy hơi nhức. Má bên nhổ răng sưng to gần bằng quả ổi găng làm mặt lệch đi trông rất buồn cười, há miệng cũng khó. Cả buổi tối răng mình khá nhức, không hẳn là đau nhưng cảm giác nhức nhối hơi khó chịu, gần giống kiểu nhức đầu gối sau khi leo núi quá sức về í
  • Ngày 2, ngày 3: ngủ qua một đêm thì sáng hôm sau hết hẳn nhức, chỉ còn má vẫn sưng to, ăn uống khá khó khăn vì cứ phải nhai một bên và lo thức ăn mắc vào vết thương. Lần nhổ thứ hai lợi mình còn bị sưng không thể cắn chặt răng vào nên không nhai được, gần như toàn nuốt chửng :))
  • Ngày 4: sưng giảm một nửa
  • Ngày 5: sưng tiếp tục giảm dần, tuy nhiên vùng da chỗ sưng ở gần cằm và cả một phần da cổ mình bị vàng (do tác dụng của thuốc tê chăng?)
  • Ngày 6: sưng chỉ còn một chút
  • Ngày 7: hẹn tới cắt chỉ với clinic thì chỉ đã tự rơi ra mất rồi, vết mổ lành lặn nhưng để lại một cái hố ở lợi nên thi thoảng thức ăn vẫn rơi vào. Chắc phải đợi tầm vài tháng sau lợi đầy lên mới hết được

3. Lưu ý sau khi nhổ răng khôn

lưu ý sau khi nhổ răng khôn ở nhật
giấy lưu ý sau khi nhổ răng khôn bệnh viện phát cho mình
  • Trong ngày vừa nhổ răng thì không nhổ nước bọt mạnh, không súc miệng để tránh làm vết thương bật máu
  • Không sờ tay bẩn vào vết mổ (kể cả đưa lưỡi chạm vào cũng không nên vì dễ gây nhiễm khuẩn)
  • Không uống rượu, thể dục vận động mạnh, không ngâm bồn (khiến máu lưu thông nhiều)
  • Chườm lạnh vào má sẽ giúp giảm sưng, giảm đau
  • ….

Bác sĩ kê đơn thuốc cho mình gồm 3 thứ: thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và nước súc miệng. Tuy đã mua đủ nhưng mình cũng chỉ dùng mỗi chai nước súc miệng hàng ngày thôi vì bình thường mình rất hạn chế dùng thuốc (nhất là kháng sinh), thay vào đó mình cố gắng giữ gìn vết mổ sạch sẽ để tránh viêm nhiễm. Thuốc giảm đau có thể uống vào ngày đầu tiên sau mổ để giảm nhức, dễ chịu hơn.

4. Chi phí

Nhổ răng khôn ở Nhật vẫn nằm trong diện được bảo hiểm hỗ trợ chi trả 70% (người bệnh trả 30%) nên cũng đỡ được rất nhiều. Chi phí nhổ tùy thuộc vào độ khó và vị trí của chiếc răng đó. Ví dụ bạn mình nhổ răng khôn hàm trên khá đơn giản tại clinic chỉ phải trả 2500y cả tiền thuốc. Mình nhổ hàm dưới và răng mọc lệch, nhổ tại viện lớn thì mất tận 5200y cho lần đầu, lần sau 4200y, tiền thuốc mua riêng 800y.

Ngoài ra trước khi nhổ thì cần chụp X-quang răng, khoảng 1500 ~2000y nữa.

5. Kinh nghiệm & lời khuyên

Trước khi nhổ răng mình có tìm hiểu khá kỹ và sau khi search đủ loại bài báo, các loại video nhổ răng của phòng khám nha khoa trên youtube, đọc comment của các mẹ trong group và tham khảo ý kiến của 1001 người thân, cộng với trải nghiệm bản thân thì mình rút ra được vài tips như sau:

cac kieu moc rang khon
  • Nhổ răng khôn hàm trên thường nhẹ nhàng & dễ dàng hơn răng khôn hàm dưới rất nhiều. Đó chính là lý do mà cùng 1 topic, người thì bảo sưng đau cả tuần, người lại bảo chiều nhổ tối về đi ăn buffet, ăn sườn ăn gà bình thường luôn :)) Vì vậy nếu bạn có xin kinh nghiệm nhổ răng khôn của ai đó, hãy nhớ hỏi xem họ nhổ hàm nào nhé!
  • Trước khi nhổ răng nên ăn no và đánh răng sạch sẽ. Tuy bác sĩ nói là sau khi hết thuốc tê có thể ăn uống bình thường nhưng đau nhức và há miệng khó khăn sẽ khiến bạn chẳng có tâm trạng ăn gì đâu, lại còn lo thức ăn rơi vào miệng vết mổ nữa. Ngày đầu tiên cũng nên tránh đánh răng, súc miệng để đỡ chảy máu.
  • 2, 3 ngày đầu nên ăn đồ mềm dễ nuốt như cháo, bún phở, súp… Tất nhiên có thể ăn cơm bình thường nhưng mình thấy hàm còn yếu và việc nhai bằng một bên khá là mỏi.
  • Nhổ răng mất nhiều máu lại không ăn được nhiều nên tốt nhất dành 1 ngày để nghỉ ngơi. Đặc biệt ngày đầu tiên hạn chế cử động miệng nhiều để vết thương nhanh lành.

Hi vọng bài review của mình sẽ tiếp thêm dũng khí giúp mọi người an tâm đi nhổ những chiếc răng khôn mà rất…ngu này đi nhé! ^__^

error: Content is protected !!